1. Đăng ký sử dụng, đăng ký thay đổi thông tin đăng ký sử dụng
- Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, hộ, cá nhân kinh doanh không thuộc đối tượng ngừng sử dụng hóa đơn theo quy định tại khoản 1 Điều 16 Nghị định 123/2020/NĐ-CP đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử thông qua tổ chức cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử.
- Trường hợp người nộp thuế NNT là đơn vị phụ thuộc không đăng ký kê khai thuế, nộp thuế GTGT cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp thì đơn vị phụ thuộc không đăng ký sử dụng hóa HĐĐT riêng mà sử dụng hóa đơn của trụ sở chính.
2. Lập Hóa đơn điện tử
- Khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn để giao cho người mua (bao gồm cả các trường hợp hàng hoá, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hoá, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động và tiêu dùng nội bộ (trừ hàng hoá luân chuyển nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất); xuất hàng hoá dưới các hình thức cho vay, cho mượn hoặc hoàn trả hàng hoá) và phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định tại Điều 10 Nghị định 123/2020/NĐ-CP.
- Trường hợp người bán đã lập các hóa đơn từ số thứ tự 1 đến số 3, đã gửi cơ quan thuế để được cấp mã. Khi nhận kết quả các hóa đơn số 1 và 3 được cấp mã, hóa đơn số 2 không được cấp mã do sai định dạng dữ liệu thì người bán lập hóa đơn mới gửi cơ quan thuế để cấp mã thay cho hóa đơn (số thứ tự 2) có lỗi chưa được cấp mã.
- Trừ những trường hợp đặc biệt được quy định riêng, thời điểm lập hóa đơn đối với hàng hóa là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa; đối với dịch vụ là thời điểm hoàn thành dịch vụ hoặc nhận tiền cung ứng dịch vụ.
3. Về việc xử lý HĐĐT đã lập có sai sót
- Trường hợp người bán phát hiện HĐĐT đã được cấp mã của cơ quan thuế chưa gửi cho người mua có sai sót: Người bán thực hiện lập Mẫu số 04/SS-HĐĐT Phụ lục IA gửi đến cơ quan thuế về việc hủy HĐĐT có mã đã lập có sai sót.
- Trường hợp người bán, người mua phát hiện HĐĐT có mã của cơ quan thuế hoặc HĐĐT không có mã của cơ quan thuế đã gửi cho người mua có sai sót:
+ Nếu HĐĐT có sai sót về tên, địa chỉ của người mua nhưng đúng mã số thuế, các nội dung khác không sai sót thì người bán thông báo cho người mua về việc hoá đơn có sai sót và không phải lập lại hóa đơn. Nếu HĐĐT có sai sót về tên, địa chỉ của người bán thì áp dụng xử lý tương tự hóa đơn sai tên, địa chỉ của người mua.
+ Trường hợp có sai: mã số thuế; sai sót về số tiền ghi trên hóa đơn, sai về thuế suất, tiền thuế hoặc hàng hóa ghi trên hóa đơn không đúng quy cách, chất lượng thì có thể lựa chọn một trong hai cách sử dụng hóa đơn điện tử như sau: (1) Lập hóa đơn điện tử điều chỉnh hóa đơn có sai sót; (2) Lập hóa đơn điện tử thay thế hóa đơn có sai sót. Đối với nội dung điều chỉnh về giá trị trên hóa đơn thì: điều chỉnh tăng, điều chỉnh giảm đúng với thực tế điều chỉnh. Nếu đã xử lý hóa đơn điện tử đã lập có sai sót và lại tiếp tục phát hiện có sai sót phải xử lý lại thì phải chọn nhất quán một cách xử lý.
- Việc xử lý hóa đơn điện tử sai sót đặc thù khác thực hiện theo quy định tại Điều 19 Nghị định 123/2020/NĐ-CP.
Trên đây là nhưng lưu ý cơ bản về một số vần đề khi quý khách hàng sử dụng hóa đơn điện tử. Trong quá trình sử dụng nếu quý khách hàng có bất kỳ thắc mắc hoặc cần tư vấn hãy liên hệ ngay với chúng tôi.
➖ ➖ ➖ ➖ ➖
Liên hệ để được tư vấn miễn phí