Không thể phủ nhận rằng chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) sẽ giúp các doanh nghiệp; người dân giảm bớt một phần khó khăn về kinh tế; đồng thời tạo đà phục hồi trước ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn nhiều vướng mắc.
Nhiều nơi đã áp dụng giảm thuế suất VAT
Việc giảm thuế VAT được thực hiện theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội và Nghị định số 15 của Chính phủ ban hành ngày 28.1. Chính sách giảm VAT áp dụng với tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh không phân biệt phương pháp tính thuế khấu trừ hay tính tỉ lệ % trên doanh thu.
*** Đọc thêm: Không giảm thuế VAT sẽ bị xử phạt
Đây là lần đầu tiên thuế VAT được giảm đồng bộ từ khâu nhập khẩu, sản xuất đến gia công, tiêu dùng; có tác dụng trực tiếp giúp người tiêu dùng mua sắm tiết kiệm; giúp kích thích tái đầu tư sản xuất kinh doanh với đầu vào của nguyên vật liệu hoặc tái mua thêm hàng hóa tiêu dùng.
Tại Hà Nội, nhiều hệ thống siêu thị đã giảm thuế VAT khi quy định này có hiệu lực. Các đơn vị kinh doanh nhanh chóng điều chỉnh kỹ thuật trên hệ thống đối với các mã hàng hóa được giảm thuế VAT để triển khai đồng bộ.
Trên hoá đơn của chị Nguyễn Thị Thu Thuỷ (Thanh Xuân, Hà Nội) mua ở siêu thị Co.opFood; các mặt hàng như giấy ăn, sữa, hàng gia dụng, mì chính… đều ghi rõ mức VAT 8%; các nhóm hàng VAT 5% thì vẫn giữ nguyên.
Với hóa đơn mua hàng khoảng 1.000.000 đồng, chị được giảm thuế VAT 20.000 đồng. "Thời điểm này, dịch bệnh vẫn còn phức tạp, nhưng hầu như các hoạt động kinh tế - xã hội đang bước vào giai đoạn phục hồi. Việc giảm thuế VAT dù không lớn nhưng đó là sự hỗ trợ cần thiết cho người dân", chị Thuỷ nói.
Trao đổi với Lao Động, bà Vũ Nguyễn Diễm Thi - Giám đốc Marketing Saigon Co.op cho biết; ngay sau Tết Nguyên đán, hệ thống siêu thị của Saigon Co.op đã bắt đầu thực hiện lộ trình giảm giá hàng hóa theo thuế.
"Hiện có hơn 10.000 sản phẩm thuộc nhóm hàng thực phẩm tươi sống, thực phẩm công nghệ, các sản phẩm thời trang may mặc và một số mặt hàng đồ dùng gia đình đã được áp dụng giá bán mới giảm 2% thuế VAT", bà Thi nói.
Hệ thống siêu thị GO!, Big C ở Hà Nội cũng đã thông báo giảm thuế VAT còn 8% từ ngày 1.2.
Còn nhiều trục trặc khi giảm VAT
Bên cạnh các cửa hàng, siêu thị lớn đã công khai giảm thuế VAT xuống 8%, vẫn còn khá nhiều nơi mập mờ.
Một số ứng dụng gọi xe đã thông báo về việc áp dụng chính sách thuế mới, tuy nhiên, cũng còn nhiều vấn đề vướng mắc. Điển hình như Grab vừa thông báo thời gian áp dụng giảm mức thuế suất thuế GTGT theo quy định của Nghị quyết 43 và Nghị định 15 sẽ chính thức có hiệu lực với các dịch vụ GrabCar, GrabCar Protect, GrabCar Plus, GrabCar Economy, GrabCar Rent, GrabBike từ ngày 1.2.
Tuy nhiên, do thời gian áp dụng diễn ra trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2022; Grab thông báo trên trang chủ ứng dụng này sẽ bắt đầu cập nhật thay đổi mức thuế suất thuế GTGT áp dụng theo Nghị định 15 và Nghị quyết 43 từ ngày 15.2.
Trong khoảng thời gian từ ngày 1.2 đến ngày 14.2, Grab vẫn tạm thu thuế GTGT theo mức thuế suất 10% và sẽ tính toán lại mức Thuế GTGT chênh lệch để hoàn trả cho đối tác thông qua ví tài xế. Ứng dụng này cho biết, thời gian dự kiến hoàn trả trước ngày 26.2.
Ông Phạm Quốc Việt, Giám đốc Công ty TNHH MACT Việt Nam (hoạt động trong lĩnh vực tư vấn thuế, kế toán và pháp lý) cho hay; không thể phủ nhận rằng chính sách này sẽ giúp đỡ các doanh nghiệp; người dân giảm bớt một phần khó khăn về kinh tế và đồng thời cũng tạo đà phục hồi trước ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Tuy nhiên, do Nghị định 15 mới có hiệu lực từ 1.2 nên trong quá trình thực hiện, doanh nghiệp đang gặp phải hàng loạt vấn đề.
Đó là, một số doanh nghiệp không nắm rõ mặt hàng kinh doanh có thuộc danh mục hàng hóa dịch vụ không được giảm thuế VAT hay không.
Bên cạnh đó, một số trường hợp dễ gây hiểu lầm trong vấn đề áp dụng thuế suất VAT đối với nguyên vật liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra tại các doanh nghiệp sản xuất.
Chẳng hạn, công ty kinh doanh dịch vụ photo, khi xuất hoá đơn có được giảm 2% VAT không? Vì đầu vào mực in chịu thuế suất VAT 10% mà giấy thì 8%. Hoặc bia rượu khi bán thương mại thì giữ nguyên 10%; nhưng vẫn chai bia đó mà phục vụ khách trên bàn ăn thì lại thành dịch vụ ăn uống hưởng thuế suất 8%...
Theo luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật, một số doanh nghiệp, tổ chức, hộ cá nhân kinh doanh gặp khó trong khâu tra cứu, đối chiếu mã hàng hóa, dịch vụ để áp thuế VAT 8%.
Vì vậy, Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế cần xây dựng các văn bản hướng dẫn chi tiết, dễ thực hiện để thuận lợi cho việc kiểm tra, giám sát. Chính sách đã có hiệu lực, cơ quan thẩm quyền cần xử lý nghiêm các trường hợp không triển khai dù đã được phổ biến.
Theo Báo Lao động
-----------
Giải pháp doanh nghiệp hỗ trợ tư vấn miễn phí về các loại hàng hoá giảm thuế VAT. Chi tiết xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi qua Hotline: 08 6977 8977